http://bienbachn.com

Wednesday, August 24, 2016

Biển Đông hôm nay: Trung Quốc muốn loại bỏ ảnh hưởng của Ấn Độ

Tình hình Biển Đông hôm nay: Dùng chiêu bài tăng cường hợp tác kinh tế, Trung Quốc muốn lôi kéo Ấn Độ không tham gia các vấn đề liên quan tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông mặc dù giữa Bắc Kinh và New Delhi vẫn đang tồn tại không ít bất đồng.
Theo tạp chí The Diplomat, việc ông Narendra Modi trở thành Thủ tướng Ấn Độ đã khiến nhiều người kỳ vọng mở ra cơ hội lớn cho tiến trình cải thiện quan hệ Trung - Ấn song cho tới nay điều này vẫn còn khá mờ nhạt.
Trong hai tháng tới, mối quan hệ Trung - Ấn sẽ trở thành điểm nóng được dư luận quan tâm. Cụ thể, Thủ tướng Modi sẽ tới Hàng Châu để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 từ ngày 4 -5/9. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Ấn Độ tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Goa từ ngày 15 -16/10. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo Trung - Ấn còn tới dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại thành phố Vientiane, Lào vào ngày 6 -7/9.

Hai nhà lãnh đạo Trung - Ấn tham gia hội nghị SCO hồi tháng Sáu.

Trong hơn hai năm nắm quyền Thủ tướng Ấn Độ, ngoài Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhà lãnh đạo thế giới mà ông Modi gặp mặt nhiều nhất phải kể đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 
Song dù tiến hành hội đàm thường xuyên, mối quan hệ Trung - Ấn vẫn đang trong tình trạng căng thẳng và bất đồng. Cụ thể, hy vọng của ông Modi biến Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế lớn của Ấn Độ vẫn chưa thành hiện thực. Ngoài vấn đề kinh tế, Ấn Độ tỏ ra không hài lòng trước việc Trung Quốc ủng hộ Pakistanquốc gia đối địch của New Delhi. 


Trung Quốc muốn Ấn Độ "né" Biển Đông
Ngay sau khi Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết phủ nhận tuyên bố chủ quyền phi lý “đường chín đoạn” của Bắc Kinh trên Biển Đông, New Delhi đã đưa ra tuyên bố mang tính trung lập rằng: “Ấn Độ ủng hộ quyền tự do hàng hải, hàng không và thương mại dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Giao thông đường biển trên Biển Đông đóng vai trò quan trọng đối với nền hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển. Là một nước thành viên của UNCLOS, Ấn Độ hối thúc các bên liên quan tôn trọng UNCLOS”. 

Ấn Độ tham gia tập cuộc trận chung mang tên Malabar với Mỹ và Nhật Bản trên vùng biển gần Biển Đông hồi tháng Sáu. 

Theo ông Ashok Sajjanha, nhà ngoại giao từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong đại sứ quán Ấn Độ tại Washington, Moscow, Brussels, …, mục tiêu chính trong chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 10 của Chủ tịch Tập Cận Bình là lôi kéo New Delhi ủng hộ Bắc Kinh trong các vấn đề liên quan tới Biển Đông đặc biệt là khi chủ đề này sẽ được Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đưa ra thảo luận trong hội nghị Đông Á và G20. Do đó, trước thời điểm ông Tập đặt chân tới Ấn Độ, Tân Hoa Xã đã đưa ra mồi nhử khi khẳng định cơ hội để New Delhi trở thành thành viên của Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG) “chưa hẳn đã hết hy vọng” mặc dù hồi tháng Tư, chính Bắc Kinh đã cản trở Ấn Độ gia nhập nhóm này. Mồi nhử của Trung Quốc là nhằm ngăn Ấn Độ can thiệp vào những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. 
Cụ thể, Tân Hoa Xã cho rằng “Biển Đông gắn liền với lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và Ấn Độ nên tiếp tục giữ vai trò xây dựng trong tiến trình hòa bình và ổn định tại châu Á –Thái Bình Dương”. Thậm chí, Thời báo Hoàn Cầu còn hối thúc Ấn Độ “tránh những bất đồng với Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông nếu như muốn tăng cường hợp tác kinh tế”. 
Lời nhắn nhủ của giới truyền thông Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay đã giảm 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này ngầm nhắc nhở các doanh nghiệp Ấn Độ đang trong tình cảnh khó khăn khi hai nước căng thẳng ngoại giao. Thậm chí, Thời báo Hoàn Cầu cảnh báo nếu New Delhi can thiệp vào vấn đề Biển Đông, quan hệ song phương giữa hai nước sẽ bị tổn thương và tạo ra rào cản cho doanh nghiệp Ấn Độ làm ăn tại Trung Quốc. 
Hành động lôi kéo sự ủng hộ từ phía Ấn Độ mà Trung Quốc đang tiến hành là nhằm ngăn chặn làn sóng chỉ trích Bắc Kinh từ Mỹ và các nước khác khi đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận trong các hội nghị thượng đỉnh sắp tới. 
Về phần mình, một vấn đề khác mà Ấn Độ sẽ phải cân nhắc trong thời gian tới là nên hay không ủng hộ Trung Quốc trở thành thành viên Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), sẽ được đưa ra thảo luận trong hội nghị sắp tới tại Pakistan vào tháng 11 năm nay. Ngoại trừ Ấn Độ và Bhutan, phần lớn các quốc gia thành viên SAARC đều ủng hộ Trung Quốc tham gia tổ chức này. Nguyên nhân là do Bhutan không thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc còn giữa Bắc Kinh và New Delhi lại đang căng thẳng ngoại giao về những tranh chấp chủ quyền biên giới. Trong khi đó, nếu muốn loại Bắc Kinh khỏi SAARC, Ấn Độ phải thuyết phục được Nhật Bản tham gia tổ chức này bởi sự có mặt của Tokyo sẽ giúp cân bằng sức mạnh một khi Trung Quốc quyết có mặt trong SAARC.
Theo ông Sajjanhar, những cuộc họp trong hai tháng tới sẽ mở ra nhiều cơ hội thắt chặt quan hệ cho cả Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi Trung Quốc quan tâm tới những lợi ích mà Ấn Độ nhắm tới. Song theo xu thế hiện nay, điều này khó có thể xảy ra. 
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. The Diplomat bắt đầu ra mắt từ năm 2002 và cho đến nay đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà bình luận, nhà hoạch định chính sách và các học giả chuyên sâu về các vấn đề trong khu vực này.
Minh Thu (lược dịch)

0 comments:

Post a Comment